Hằng năm, có rất nhiều lễ hội của Phật giáo diễn ra trên khắp thế giới. Hầu hết những sự kiện đặc biệt này đều liên quan tới cuộc đời của đức Phật hay chư vị Bồ Tát, Tổ sư… Những lễ hội này đều được tính theo lịch âm và thường có sự khác nhau tùy thuộc văn hóa và truyền thống của mỗi nước.
Mục Lục Bài Viết
Trong những ngày lễ là dịp để Phật giáo đồ bày tỏ niềm hân hoan, hỷ lạc. Các ngày lễ thường được bắt đầu với việc đi viếng các ngôi chùa, nơi mà tín đồ sẽ dâng lên các vị Sư các phẩm vật cúng dường như thức ăn, y phục… và được nghe những lời dạy từ các vị Sư. Đến chiều thì họ sẽ bố thí và phân phát thức ăn cho những người nghèo, sau đó thì sẽ đi nhiễu 3 vòng quanh điện Phật, tụng kinh và ngồi thiền
Dưới đây là một vài ngày lễ quan trọng sẽ được trình bày một cách vắn tắt.
Năm Mới Trong Phật Giáo
Là kỳ lễ lớn trong đạo Phật và diễn ra khác ngày nhau tùy từng nước trên khắp thế giới. Trong những nước theo truyền thống Phật giáo tiểu thừa (Theravadin) như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Campuchia, Lào thì lễ hội năm mới thường diễn ra 3 ngày, bắt đầu từ ngày trăng tròn của tháng tư.
Trong các nước theo Phật giáo đại thừa như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, thì năm mới thường bắt đầu trong ngày đầu tiên của tháng giêng. Riêng Phật giáo tại Tây Tạng thì đánh dấu ngày lễ này vào tháng 3.
Ngày Của Phật Hay Còn Gọi Là Vesak
Vesak là kỷ niệm ngày sinh của Phật và là ngày lễ quan trọng nhất ., Phật giáo khắp nơi trên thế giới tổ chức lễ đón mừng đản sinh, giác ngộ và nhập Niết Bàn của đức Phật trong cùng một ngày, thường là trung tuần tháng 5 theo dương lịch. Vesak là tên được gọi của một tháng ở Ấn độ, giống ở Việt Nam tháng 1 gọi là tháng giêng….
Lễ Vesak – Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc là ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm quốc tế. Nội dung chủ yếu đề cập tới 2 vấn đề lớn của thế giới là tôn giáo và văn hóa – 2 yếu tố phủ trùm hết đời sống của con người
Ngày 15/12/1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp, kỷ niệm ba ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn, Ngày này được gọi là Đại lễ Vesak và được xem như một thông điệp hòa bình mà đạo Phật nhắn gởi đến toàn nhân loại.
Lễ hội đầu tiên được tổ chức tại trụ sở trung ương Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ với trên 30 nước nước tham dự. Từ năm 2000 trở đi, lễ hội được tổ chức tại các trung tâm của Liên Hiệp Quốc ở các khu vực trên khắp thế giới.
Lễ Dâng Y Kathina
Tại các nước theo Phật giáo nguyên thủy, hằng năm sau 3 kỳ trăng tròn, tức sau 3 mùa mưa tịnh tu từ tháng 6 đến tháng 9 thường tổ chức lễ dâng y Kathina cúng dường chư Tăng.
Lễ này được tổ chức tại các Chùa trong suốt 1 tháng từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10. Ttrong suốt một tháng đó, tất cả các thiện nam tín nữ sẽ lo các phẩm vật cúng dường cho chư Tăng gồm Y và các vật dụng cần thiết khác.
Lễ dâng y Kathina là lễ truyền thống trong Phật giáo, có từ thời đức Phật
Riêng tại Việt Nam đa số theo Phật giáo đại thừa, lễ an cư thường được tổ chức trong 3 tháng hạ từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 và thường sẽ làm lễ trai tăng cúng dường, cũng là một hình thức khác của lễ dâng y
Lễ Thả Hoa Đăng (Loy Krathong)
Lễ Loy Krathong tại Thái Lan được xem là một lễ hội Phật giáo lớn, thường được tổ chức vào kỳ trăng của tháng 12. Lúc nước các nhánh sông và kênh rạch dâng lên, người ta đem các bình bát đựng hoa, đèn cầy, trầm và thả chúng trôi theo dòng nước, với mong ước nó sẽ cuốn đi những điều không may.
Tương truyền, lễ Loy Krathong xuất phát từ lòng tôn kính những bước chân của Phật trên bãi cát của dòng sông Namada tại Ấn độ.
Lễ Thắng Pháp (Abhidhamma Day)
Theo truyền thống của Phật giáo Miến Điện, đây là kỳ lễ để Phật tử tưởng nhớ ngày đức Phật lên cung trời Đao Lợi giảng Thắng Pháp cho mẹ Ngài. Lễ được cử hành trong 7 kỳ trăng theo lịch Âm của người Miến Điện, bắt đầu từ tháng tư cho đến kỳ trăng tròn của tháng 10.
Lễ Rước Xá Lợi Phật
Kandy là một thành Phố đẹp của Sri Lan Ka. Trên một ngọn đồi nhỏ tại thành phố này có một ngôi chùa rất lớn được xem là một thánh tích, vì ngôi chùa này có thờ một cái răng của Phật. Răng đó người ta chẳng bao giờ có thể thấy được vì nằm sâu bên tròng nhiều cái tráp. Nhưng cứ mỗi tháng 8 hằng năm, trong một đêm trăng tròn người ta tổ chức một lễ rước thật quy mô xá lợi này của Phật.
Lễ Vu Lan (Ulambana)
Là một lễ hội lớn được tổ chức ở hầu hết các nước theo truyền thống Tiểu Thừa, người ta quan niệm cánh cửa địa ngục được mở ra và xá tội cho những vong hồn từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 15 của tháng 7 âm lịch. Thức ăn sẽ được bố thí cho các vong hồn trong suốt thời gian này, nhằm giúp họ vơi nỗi khổ đau.
Trong ngày thứ 15 của lễ Ulambana (vu lan), người ta sẽ đi viếng các nghĩa trang và cúng thức ăn cho tổ tiên ông bà, người thân đã quá vãng. Nhiều nước tiểu thừa như Campuchia, Lào, Thái Lan cũng tổ chức lễ hội này.
Tại các nước Phật giáo đại thừa như Nhật Bản, lễ Vu Lan được biết đến với tên gọi Ubon, được bắt đầu từ ngày 13 của tháng 7 và kết thúc sau 3 ngày, lễ này là dịp để sum họp gia đình, là dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ và ông bà tổ tiên
Riêng tại Việt Nam, lễ Vu Lan gắn với sự kiện đức Mục Kiền Liên nhờ thần lực của chư Tăng mà cứu được mẹ ra khỏi địa ngục. Lễ cũng được biết đến với tên gọi dân gian là ngày xá tội vong nhân. Lễ được tổ chức vào rằm tháng 7 Âm lịch.
Lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara)
Lễ vía (hay còn gọi là mừng ngày đản sinh) của Đức Quán Thế Âm, là vị Bồ tát biểu tượng cho tình yêu thương rộng lớn, là biểu tượng của đạo từ bi cứu khổ theo truyền thống của các nước theo Phật giáo Đại thừa. Lễ được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất tại Tây Tạng vào kỳ trăng tròn của tháng 3 Âm lịch.
(Theo Buddhanet.net)
Huệ Lưu lược dịch
Còn Bao Nhiêu Ngày Nữa...?
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Dương Lịch
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Âm Lịch