Lễ Vu Lan là một trong hai lễ chính của Phật giáo Đại thừa. Hầu hết các nước theo Phật giáo Đại thừa đều tổ chức đại lễ này trong trung tuần tháng Bảy Âm Lịch. Tùy theo văn hóa mỗi quốc gia mà có cách tổ chức khác nhau. Sau đây xin sơ lược cách tổ chức lễ Vu Lan tại các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc…
1. Nhật Bản
Lễ Vu Lan (Ullambana) theo tiếng Nhật gọi là Bon-Odori hay còn gọi là Bon-Dance được gọi ngắn gọn là Obon, đã được tổ chức tại quốc gia này hơn năm trăm năm nay. Tuy nhiên, ngày tổ chức lại khác nhau theo từng vùng khác nhau ở đất nước Mặt trời mọc này: các tỉnh ở phía Đông thì tổ chức vào tháng Bảy trong khi các tỉnh ở phía Tây thì lại tổ chức vào tháng Tám. Lễ Obon được người Phật giáo Nhật Bản tổ chức trong ba ngày. Ngày đầu tiên được gọi là ngày Khai đàn, và ngày cuối cùng kết thúc bằng lễ phóng đăng. Lễ Obon ở Nhật Bản đã đạt được nhiều ý nghĩa trong cộng đồng người Nhật, nó không chỉ là ngày để tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà mà còn là ngày gia đình tụ họp gặp gỡ nhau. Người dân trở về quê để thăm viếng gia đình, bà con họ hàng cũng tổ chức tiệc mừng tuổi cho cha mẹ trong những ngày lễ Obon này. Họ đi thăm mồ mả ông bà và dọn dẹp cỏ rác xung quanh mồ mả. Họ làm thức ăn hay mua hoa quả để đem dâng lên chùa. Trong những ngày lễ Obon diễn ra, người dân còn tổ chức nhảy múa, gọi đó là những điệu nhảy Obon.
Vì sao lại có nhảy múa trong lễ Obon của người Nhật? Vì lẽ, người ta tin rằng: sau lễ này, các quỷ đói sẽ thoát khỏi nơi địa ngục, người thân của họ sẽ được siêu thoát nơi thế giới an lành. Vì thế, họ nhảy múa để mừng sự kiện trên và các điệu nhảy trong lễ Obon là một phần không thể thiếu trong lễ này.
2. Việt Nam
Lễ Vu Lan ngày nay, là người con Phật chúng ta cũng đã biết được phần nào. Chỉ xin trích lược lịch sử để biết thêm cội nguồn lễ Vu Lan đã tổ chức ở nước ta thời xưa như thế nào.
Linh Nhân Hoàng Thái Hậu tức là Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu, mẹ Vua Lý Nhân Tông (1072-1172), bà chính là Ỷ Lan Thái Phi, là một Phật tử thuần thành, bà đã cho trùng tu và xây dựng hơn trăm ngôi chùa. Bà mất vào ngày 25 tháng Bảy năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), và được hỏa táng vào tháng 8 năm ấy. Tháng Bảy năm sau, Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), Vua Lý Nhân Tông bãi bỏ cỗ bàn yến tiệc của Lễ Trung Nguyên để làm lễ Vu Lan Bồn cho mẹ. Mười năm sau, vào niên hiệu Thiên Thuận năm đầu, Mậu Thân (1128), Vua Lý Thần Tông bãi bỏ cỗ bàn yến tiệc của Lễ Trung Nguyên để làm lễ Vu Lan Bồn cho cha. Như thế, không cần đi sâu hơn, ta cũng thấy được qua những dữ kiện mà chính sử đã ghi, ý nghĩa lễ Trung Nguyên với lễ Vu Lan Bồn báo hiếu khác nhau rất xa. Trong lễ Trung Nguyên có cỗ bàn yến tiệc vui chơi ca hát và chúc tụng, trong lễ Vu Lan Bồn có cỗ bàn, hương hoa trầm trà để cầu uy lực của Phật cứu khổ cha mẹ ở địa ngục. Tiếp nối truyền thống của triều Lý, năm Thiệu Bình (1434) triều Lê, Vua Lê Thái Tông đã thiết lễ Vu Lan Bồn cho cha là Lê Thái Tổ rất lớn. Đến triều Nguyễn (1802-1945) thì các Vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) đều có thiết lễ Vu Lan Bồn rất trọng thể ở chùa Thiên Mụ – Huế.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), thiết Đại Trai đàn vào dịp lễ Vu Lan ở chùa Thiên Mụ. Vua giao cho Hà Tôn Quyền – Hoàng Quỳnh – chịu trách nhiệm tổ chức, Bùi Công Huyên là “Đổng Lý Trai đàn”, vua có ngự lên Thiên Mụ để dự lễ và làm nhiều thơ sai đem dán ở điện Phật và các nơi đàn thủy lục.
Hai năm sau, vào năm Minh Mạng thứ 18, Đinh Mùi (1837) thiết Trai đàn 21 ngày đêm vào tiết Trung Nguyên tức Rằm tháng Bảy để làm lễ Vu Lan. Năm này trong đại lễ Vu Lan có đốt pháo và có đến 146 biền binh phục vụ vẫn không đủ.
Đến thời Thiệu Trị, tháng Bảy năm thứ 5, Ất Tỵ (1845) vào ngày Rằm Vu Lan, vua lập đàn chay 21 ngày đêm liên tục ở chùa Thiên Mụ. Đàn được lập cả trên sân chùa lẫn dưới bờ sông. Trong bia Thiên Mụ Tự Phước Duyên Bảo Tháp Bia, chính nhà vua đã nói: “Tế thử Vu Lan chi hội, Khai tam thất thủy lục đạo tràng, liệu tha đảm bặc chi hương, phổ đại thiên u minh thuyết pháp”. Trên bia “Ngự thế chi” ở chùa Diệu Đế khắc vào tháng Bảy năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) vua có làm bài thơ thứ hai nói về lễ Vu Lan trong đó có câu:
“Nguyệt minh như họa chính kim tiêu,
Hà xứ Vu Lan thiết tiệc yêu…”
Toàn bài thơ vua Thiệu Trị không nói đến Vu Lan, song câu thứ hai trên đây, cho biết rằng trong dân gian người ta có làm lễ Vu Lan Bồn vào tiết Trung Nguyên. Đến đời Vua Tự Đức, năm thứ 31 (1878) vào Rằm tháng Bảy có thiết lễ Vu Lan Bồn rất lớn ở chùa Thiên Mụ: vào năm đó, Mậu Dần, bộ Lễ Nghi tâu vua theo lệ đã đến kỳ mở Đại Trai đàn để chúc lễ nhà vua. Vua Tự Đức bảo: “Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt muôn người chết oan… “. Sau đó vua ra lệnh triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra tới Quảng Bình về kinh, lên chùa Thiên Mụ mở hội Vu Lan bạt độ và vua ra lệnh cho các chùa Quan ở Thừa Thiên – có 7 chùa là : Thiên Mụ, Long Quang, Từ Ân, Diệu Đế, Ngọc Sơn, Linh Quang và Thánh Duyên – lấy ngày Trung Nguyên, tức ngày Rằm tháng Bảy năm đó, khai kinh phổ tế các tướng sĩ trận vong khắp cả Nam-Trung-Bắc kể từ năm Tự Đức nguyên niên đến lúc đó (1848-1878).
Theo sử ghi như thế, ta cũng biết được rằng, lễ Vu Lan đã được các vua chúa thời xưa nước ta coi trọng, dùng ngày tổ chức lễ Trung Nguyên, thay vì tổ chức yến tiệc chúc tụng lẫn nhau, thì đã dùng để tổ chức Trai đàn cầu siêu bạt độ cho cha mẹ hay chiến sĩ trận vong.
3. Trung Quốc
Thời xưa, đạo Lão (Taoism) Trung Quốc có một lễ hội gọi là “lễ hội Quỷ đói” (the hungry ghost festival). Người đạo Lão tin rằng, tháng bảy Âm Lịch là tháng của quỷ đói, vào tháng này, cánh cửa địa ngục sẽ mở toang để các loài quỷ có thể lên mặt đất kiếm thức ăn. Lễ hội này có phần tương tự lễ hội Halloween của phương Tây. Trong những ngày này, người ta thắp đèn dọc các con phố, thả đèn trên sông để chỉ đường cho quỷ đói tìm thức ăn mà họ đã bày sẵn. Người đạo Lão cũng tập trung tại các đền chùa, lập đàn cầu siêu để cầu nguyện cho người quá cố vãng sanh.
Sau đó, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, và cũng có một lễ hội tương tự như lễ hội quỷ đói của đạo Lão – Ullambana – xuất xứ từ sự tích Ngài Mục Liên Tôn giả cứu mẹ. Và thời gian cũng lại giống như thế. Lần lần, hai lễ hội của hai tôn giáo này đã gộp lại thành một và cùng tổ chức vào trung tuần tháng Bảy Âm lịch.
Ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc đối với Phật giáo Việt Nam là rất lớn, vì thế, hầu hết các nghi thức, hay lễ nghi tôn giáo trong lễ Ullambana này tựu trung gần giống như nhau. Hẳn nhiên, bên Trung Quốc không có lễ bông hồng cài áo để tôn vinh Cha, Mẹ như trong lễ Vu Lan của Việt Nam. Họ cũng tổ chức Trai đàn, sắm sửa lễ vật, cầu siêu cho người quá cố, phóng đăng…
Tác giả: Thích Huệ Pháp
Còn Bao Nhiêu Ngày Nữa...?
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Dương Lịch
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Âm Lịch