Cuộc khởi nghĩa nam tiến của chúa Nguyễn đánh dấu từ đầu thế kỷ thứ 17, sau khi vào trấn đất Thuận hóa, mở rộng bờ cõi, song song chuẩn bị đối đầu với chúa Trịnh ở phía bắc. Năm Tân hợi (1611) Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh chiếm phần đất đến đèo cả, lập ra Phú yên.
Và cứ thế, chúa Nguyễn (Phúc Tần) tiếp tục mở mang bờ cõi tiến vào phía nam. Năm 1653 (Quý tỵ) ranh giới đất nước ta đã đến sông Phan Lang, từ sông Phan Lang trở vào Nam vẫn còn thuộc về Vua Chiêm. Từ núi Vọng Phu đến sông Phan Lang được chia làm hai phủ và năm huyện. Đất Khánh Hòa khai nguyên từ đó. Năm Canh Ngọ thứ ba đời Hiếu Nghĩa Hoàng Đế (chúa Nguyễn Phúc Tần), năm 1690, phủ Thái Khang được đổi là Phủ Bình Khang. Đến khi giang sơn thống nhất Nguyễn Vương lên ngôi (Vua Gia Long), năm 1803 phủ Bình Khang được đổi là phủ Bình Hòa, tức Khánh Hòa hôm nay.
Về núi Sinh Trung, có vài tư liệu đề cập và ghi nhận hòn núi này, trong quá trình sưu tập để viết lịch sử chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, nhận thấy có nhiều điểm không trùng khớp, chúng tôi vẫn còn đang tiến hành khảo sát để rút ra một kết luận chính xác.
Theo nguồn của Nguyễn Đình Tư tác giả Non Nước Khánh Hòa: Núi Sinh Trung là một di tích lịch sử, mặc dầu hòn núi này không nguy nga đồ sộ. Đây là nơi thờ 350 vị công thần, chiến sĩ trận vong đã từng giúp chúa Nguyễn Ánh đánh chiếm lại Nha Trang và thành Diên Khánh dưới thời Tây Sơn. Ngôi miếu xây dựng vào năm Ất Mão (1795) đến năm Tự Đức thứ năm (1852) được trùng tu lại.
Theo nguồn của Quách Tấn tác giả Xứ Trầm Hương: Núi Sinh Trung, các Thầy địa lý gọi là “Bạch Tượng Quyện Hồ” và hòn núi này có mối quan hệ mật thiết với các thắng cảnh hiện nay như Hòn Chồng, Tháp Bà, Chợ Đầm, Cù Huân v.v… trong nhiều truyền thuyết và được thi hóa, núi Sinh Trung trở thành bức tranh tuyệt tác giữa thành phố Nha trang.
Trên núi này có một ngôi miếu được dựng vào năm Đinh Mão (1807) triều Gia Long, trùng tu năm Tự Đức thứ năm (1852). Miếu thờ 350 vị công thần của nhà Nguyễn đã bị tử nạn, lúc tranh hùng với nhà Tây Sơn. Phần đông những công thần này mất tại Khánh hòa. Hòn núi này được biết qua nhiều tên: Núi Hà Ra, Núi Tinh Trung, Sinh Trung…
Giữa hai tác giả trên, chúng tôi nhận thấy rằng năm trùng tu phù hợp, tuy nhiên năm xây dựng ngôi miếu có sai biệt. Số lượng 350 vị công thần thờ tại đền này là hợp số, trùng khớp với tư liệu của Gia Định Xưa Và Nay tác giả Hùynh Minh. Danh sách 350 vị công thần hiện vẫn còn an trí tại Tổ đường của Chùa và tiên tổ Nguyễn tộc đang được tiếp tục bổ sung tại linh đường.
Chúng tôi chỉ dẫn chứng, chưa kết luận nguồn nào là chính xác, chúng vẫn còn đang quá trình tổng hợp tư liệu, khó khăn là các tác giả trên không cho chúng ta biết tư liệu đã dẫn nguồn gốc lấy từ đâu.
Tuy nhiên sự hiện hữu ngày nay, Núi Sinh Trung đã trở thành Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, cả nội dung và kiến tạo nhiều về hình thức. Theo bảng lược ghi trong năm khánh thành Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, cho chúng ta biết:
Theo các vị Bô lão địa phương cho biết, vào những năm từ 1948- 1951 Đức bà Từ Cung cùng các vị Hào Lão làng vạn Thạnh vận động hiến cúng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh được giáo hội đề cử trông coi và là vị Trú trì đầu tiên ngôi chùa này. Tiếp sau đó là Hòa Thượng Thích Chí Tín, Hòa thượng Thích Từ Mãn được bổ nhiệm trụ trì và sau được giáo hội đề cử phụ trách ở những nơi khác đáp ứng Phật sự cấp thiết của giáo hội. Trong thời gian chiến tranh và nhiều Phật sự quan trọng của giáo hội ngôi chùa có lúc không người trông coi, Đại đức Thích Viên Mãn trông nom, tới lui trong thời gian này. Đến năm 1977, Đại đức Thích Trí Viên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lúc bấy giờ đề cử làm trụ trì.
Năm 1980, Chùa Kỳ Viên bắt đầu tiến hành sửa chữa tạm thời bên trong điện Phật vốn mang nhiều dấu tích ngôi đền âm u, tạo dựng Tăng phòng và thiết lập sinh họat theo truyền thống Phật giáo.
Năm 1990, Thầy Trụ trì và Phật tử Chùa Kỳ Viên phát nguyện đại trùng tu chánh điện, nhà Tổ, khánh thành vào năm 1992, sau đó miệt mài tiếp tục xây dựng nhiều công trình khác như hiện nay chúng ta thấy gồm nhà Tăng, giảng đường (1995), bậc cấp, cổng tam quan (2000), song song tượng Phật Di Lặc, Bồ-tát Đại Trí Văn Thù, tái kiến thiết lầu chuông (2002), Trai đường (2006) và nhiều Thánh tượng khác nhau hòa quyện thành một bức tranh Thiền Tượng hòa hợp dưới nắng trời của miền thùy dương cát trắng, biển xanh, đầy nắng vàng ..v.v.
Đặc biệt, vào năm 1986 đáp ứng sự di dời nghĩa trang của thành phố, và nguyện vọng gởi cốt về chùa của Phật tử xa gần, chùa Kỳ Viên đã xây dựng nhà linh cốt trong phạm vi khuôn viên chùa tạo thành một hành lang khép kín thật trang trọng và trang nghiêm, nơi đây các hương linh quá cố được nghe kinh mỗi ngày, tâm hồn người sống ấm cúng với hạnh hiếu vào những ngày húy kỵ, năm mới, thanh minh, Vu Lan rằm tháng bảy và đặc biệt là lễ Hiệp Kỵ chư Hương Linh ký cốt tại chùa vào 19 tháng 06 âm lịch hằng năm .
Trong dịp Lễ khánh thành chùa vào năm 1992, Chùa Trung Nghĩa – Khuôn Kỳ Viên được quyết định hợp đổi tên thành Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa. Trong sự hiệp tâm, hiệp lực của Chư Tôn Đức giáo phẩm, Chư Tăng chùa Kỳ Viên, Phật tử chùa Kỳ Viên và Quý Phật tử xa gần.
Tác giả: Thích Huệ Giáo
Còn Bao Nhiêu Ngày Nữa...?
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Dương Lịch
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Âm Lịch