A. Dẫn nhập:
Các tôn giáo lớn trên thế giới, đều có những thuật ngữ riêng để chỉ cho các vị chức sắc hay tín đồ của mình. Đạo Phật cũng vậy, các vị đệ tử xuất gia theo con đường của Đức Phật thường được gọi là Sa Môn. Đây là danh từ mà người con Phật thường bắt gặp trong khi đọc tụng các kinh giáo Phật đà.
Mục Lục Bài Viết
B. Nội dung:
I. Định nghĩa:
Sa môn tiếng Phạn gọi là Sramana, âm Hán là Thất La Mạn Noa… cũng còn gọi là Sa Môn Na, Sa Môn Văn, gọi tắt là Sa Môn. Dịch là: Cần Lao, Công Lao… Bần Đạo, Pháp Đạo.
Đây là từ ngữ chuyển âm của phương ngôn Tây Vực, chỉ chung cho những người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, ngăn dứt các điều ác, siêng tu các việc thiện, điều phục tâm thân, cầu mong đạt đến Niết Bàn. Từ nầy chỉ chung cho cả Nội đạo và Ngoại đạo.
– Trong Luật Tiểu định nghĩa Sa Môn: “Cần tu Giới, Định, Huệ, tức diệt tham sân si, danh vi Sa Môn (siêng năng và chuyên cần thực hành Giới Định Huệ, đoạn tận tham sân si, tôn xưng là Sa Môn).
– Kinh Tứ Thập Nhị Chương định nghĩa: “Từ thân xuất gia, thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp, danh viết Sa Môn” (từ giã cha mẹ, đi xuất gia học đạo, nhận rõ nguồn tâm, hiểu thấu pháp Vô vi, thậm tín giáo pháp, gọi là Sa Môn).
– Trong Phật Học Giáo Khoa Thư định nghĩa: “Phạn ngữ Sa Môn, thử vân cần tức. Vị cần hành chúng thiện, tức diệt chư ác” (Tiếng Phạn gọi là Sa Môn, Trung Hoa dịch là Cần Tức. Nghĩa là siêng năng làm các việc thiện và diệt trừ các điều ác).
II. Các hạnh của Sa Môn:
Từ những định nghĩa trên, cho chúng ta thấy, để trở thành vị Sa Môn đúng nghĩa, thì những điều căn bản của một vị Sa Môn cần phải có:
1. Cần giả: Chuyên cần siêng năng tu học , mở rộng kiến thức Phật học; giữ gìn giới luật đã thọ, bảo vệ Giới như bảo vệ tròng con mắt.
2. Tức giả: Nhờ siêng năng chuyên cần tu tập Giới luật, thực hành lời dạy của Đức Phật, nên các phiền não được đoạn trừ.
3. Bần giả: Thực hành nếp sống tri túc, luôn là người nghèo nhất trong số những người nghèo nhất thế gian.
“Ai lắng lòng hoàn toàn
Các điều ác lớn nhỏ
Vì lắng dục ác pháp
Xưng tụng Bậc Sa Môn”.
(PC. 265)
III. Những hạng Sa Môn:
Khi Đức Phật còn tại thế, xảy ra câu chuyện liên quan đến 2 từ Sa Môn.
Kinh Du Hành trong Trường A Hàm, quyển 3 và luận Đại Tỳ Bà Sa, quyển 66 thì Sa Môn được chia làm 4 hạng:
Sau khi dâng cúng dường Đức Phật bữa cơm cuối cùng, ông Thuần Đà bạch Đức Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn, trong hàng Sa Môn có mấy hạng?
Đức Phật đáp:
– Có 4 hạng Sa Môn. 4 hạng ấy là:
1. Thắng Đạo Sa Môn (Hành đạo thù thắng): Chỉ cho những bậc hành đạo thù thắng, có khả năng tự giác, như chư Phật, Bồ tát gọi là Đại Sa Môn.
2. Thuyết Đạo Sa Môn (Thị Đạo Sa Môn): Đây là chỉ cho những vị Sa Môn siêng năng tu học giáo pháp Phật đà. Sau khi tu học, các vị nầy có khả năng khéo phương tiện giảng dạy cho mọi người hướng về con đường chân chánh, cuộc sống có niềm vui, làm các việc lành, hiếu kính, nhận rõ Khổ – Tập – Diệt – Đạo, loại trừ tham sân si.
3. Mạng Đạo Sa Môn (Hoạt Đạo Sa Môn, Y đạo sinh hoạt): Đây chỉ cho các vị Sa Môn sống theo chánh pháp, tu tập Giới – Định – Tuệ, nhờ công đức tu tập mà thuyết phục mọi người đến với đạo (thân giáo).
4. Ô Đạo Sa Môn (Hoại Đạo Sa Môn, Vi đạo tác uế): Đây chỉ cho những vị Sa Môn có hình tướng bên ngoài, nhưng bên trong tâm thì tà vọng, dối trá, làm những việc ô uế, trộm cắp của người khác, bôi nhọ đạo pháp.
Ba hạng Sa Môn trình bày trên là những người giữ gìn mạng mạch Phật pháp, là suối nguồn thanh lương cho mọi người đến hụp lặn được mát mẻ, để tẩy trừ những cấu trược cuộc đời. Cho nên, một vị Sa Môn cần phải có những tiêu chuẩn: xa lìa ân ái, chế ngự các căn, không ô nhiễm các dục lạc, thương yêu hết thảy muôn loài, không làm tổn hại ai; gặp khó không phiền não, không tránh né, luôn sống với tinh thần “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, gặp vui không mong cầu, thực hành hạnh nhẫn nhục như đất (1 trong 3 cách làm bạn Đức Phật dạy), nên được tôn xưng Sa Môn.
IV. Lợi ích thực hành hạnh Sa Môn:
– Có người hỏi Đạo Phật là gì?
Đáp: Qua cung cách thuyết giảng, đi đứng của Đức Phật là Đạo vậy.
Đây là điều quan trọng mà người xuất gia cần lưu ý, phải thận trọng gìn giữ trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của mình. Khi xưa, có những người nhìn qua cung cách của Đức Phật là thấy được lẽ sống tâm linh trong sáng. Do vậy, bậc Sa Môn tu tập đúng pháp là người có công đối với Đạo. Qua cách hành xử của vị Sa Môn ấy, có thể khiến cho người khác kính phục, bái phục, tìm đến với Đạo, chứ không phải thuyết nhiều lời, nói thao thao bất tuyệt là thuyết phục được người khác. Nhờ những bậc Sa Môn tu tập đúng pháp nên cảm hóa đưa mọi người về vơi Đạo, làm cho Đạo pháp mỗi ngày được xương minh “Đạo từ đây mà ra, Pháp từ đây mà tồn tại”. Ai vào Đạo cũng được sanh niềm hỷ lạc qua đối tượng tỏa sáng của một vị thầy, một vị xuất gia chân chánh, một vị Sa Môn tu tập Giới – Định – Tuệ, hướng dẫn mình trong tinh thần Đại bi.
C. Kết luận.
Danh từ và hình ảnh vị Sa Môn rất gần gũi và quen thuộc trong thời Đức Phật còn tại thế, nhất là các quốc gia đang phát triển hoặc những nơi in đậm dấu chân hoằng hóa của Đức Phật.
Những hình ảnh ẩn cư tu hành nơi thanh vắng của các vị ẩn sĩ, hoặc lang thang khất thực mà chúng ta thấy được trên thế giới, hay được ghi lại trong các chuyện cổ, chuyện Thần thoại v.v… đấy là các vị Hiền triết, Thánh nhân, các nhà đạo học, đã để lại cho xứ Ấn Độ một nét đẹp về văn hóa đặc biệt hơn các dân tộc khác. Hạnh khất thực của một vị tu sĩ ngày nay không còn xa lạ với thế giới. Hạnh khất thực này không phải chỉ có Bà La Môn và Tu sĩ Phật giáo mới thực hành, mà vào thời Trung cổ ở Châu Âu, các vị tu sĩ của Thiên Chúa giáo cũng đã áp dụng hạnh này. Điển hình như Thánh Francois D’Assise (1182-1226), ông là một vị đại thương gia, giàu có bậc nhất, nhưng quyết định sống hạnh lang thang khất thực cùng với một số đệ tử rất đông.
Những vị tu sĩ nào thực hành hạnh khất thực đúng pháp, tinh tấn trong đời sống tâm linh, được tôn xưng là Sa Môn. Khi vị Sa Môn có đạo đức cao, nổi bậc hơn các vị Sa Môn khác thì được tôn xưng là Bà La Môn. Nhưng danh từ Bà La Môn là để chỉ cho đẳng cấp cao nhất trong Bà La Môn giáo. Cho nên, để tránh sự nhầm lẫn và dễ phân biệt, người ta gọi các vị Sa Môn theo Bà La Môn giáo là Sa Môn Bà La Môn, còn những vị Sa Môn khác thì chỉ gọi là Sa Môn.
Sau khi thành đạo, Đức Phật đi giáo hóa chúng sanh trong hình ảnh của một vị Sa Môn, người ta tôn xưng Ngài là Đại Sa Môn; các vị đệ tử của Ngài gọi là Sa Môn Thích Tử; còn các vị tu sĩ là đệ tử của vị ấy gọi là Bhikkhu (Tỳ Kheo), nghĩa là kẻ lang thang khất thực. Và đoàn thể của các vị Tỳ Kheo thì gọi là Bhikkhu Sangha (Giáo đoàn Tỳ Kheo, Tăng Già Tỳ Kheo).
Như vậy, Giáo đoàn Tỳ Kheo về sau gọi là Giáo hội Phật giáo, mang sắc thái đặc biệt, có tổ chức nhân sự, có nguyên tắc sinh hoạt.
Trên đây là những trích dẫn về định nghĩa và quá trình diễn tiến của danh từ Sa Môn trong sinh hoạt tôn giáo.
Tác giả: Thích Trí Viên
Còn Bao Nhiêu Ngày Nữa...?
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Dương Lịch
Các Ngày Lễ Trong Năm Theo Âm Lịch